Nhân việc bạn Thanh nhắn đến ProSelf với đại ý là kiểu chữ viết tay dường như không phù hợp với lĩnh vực giáo dục và bạn có đề xuất một phương án kiểu chữ có chân, vững chãi. ProSelf thấy đây có lẽ cũng là trăn trở của rất nhiều bạn khác nên muốn chia sẻ thêm với các bạn lý do ProSelf chọn font chữ viết tay dưới góc độ lịch sử phát triển của giáo dục để các bạn biết đâu là cái có thể sáng tạo, đâu là cái cần phải giữ nguyên trong thiết kế logo ProSelf
Đầu tiên, chúng ta sẽ điểm qua những nét chính nhất trong lịch sử phát triển của giáo dục thế giới.
Có 4 quan điểm giáo dục cơ bản là GD tinh hoa, GD vì nguồn nhân lực, GD đại chúng và GD trong một xã hội học tập. GD thế giới, trong đó có VN chúng ta đã tuần tự trải qua 3 thời kì đầu và sắp sửa chuyển sang thời kì Hậu đại chúng hóa tiến đến thời kì thứ 4.
Trong khi GD thời kì đầu chủ yếu phục vụ cho chính trị – kinh tế, thì thời kì thứ 4, giáo dục phục vụ cho nhu cầu học tập suốt đời của con người để đối diện với các thách thức của môi trường cũng như bảo vệ nền hòa bình thế giới. Nền giáo dục của thời đại mới phải xuất phát từ 4 trụ cột mà UNESCO đã nêu ra là: học để biết, học để làm, học để khẳng định mình và học để biết cách cùng chung sống (Learning to know, leerning to do, learing to be, learning to live together).
Song song với sự thay đổi về quan điểm giáo dục trên là sự thay đổi về vai trò của người dạy và người học. Ở các giai đoạn trước, giáo dục hầu như được xem là một nghệ thuật sản xuất ( như là nghề đóng giầy, nuôi gà công nghiệp…). Người thầy là trung tâm của hoạt động giáo dục. Người thầy có trách nhiệm nghiên cứu và truyền dạy (không muốn nói là “nhồi sọ”) cho người học những kiến thức và kỹ năng, còn người học thì tiếp thu, “nhét” vào đầu một cách thụ động cứ như những gì người thầy dạy là chân lý. Và kết quả là người học trở thành một sản phẩm hàng loạt: na ná giống nhau, khuôn mẫu, cứng nhắc.
Càng về sau, người ta bắt đầu nhìn nhận giáo dục như là một nghệ thuật hợp tác. Người học trở nên đóng vai trò là chủ thể chủ động của quá trình khám phá và sáng tạo ra tri thức mới. Còn người thầy đóng vai trò chủ đạo, định hướng cho người học thông qua việc tạo ra môi trường trải nghiệm và kích thích tự học. Sự thay đổi này dẫn đến kết quả rất đa dạng, sáng tạo và mang đậm dấu ấn cá nhân của người học.
Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là: Đâu là giới hạn cho sự tự do, sáng tạo trong giáo dục? Không lẽ muốn làm gì thì làm? Thực ra, trong giáo dục có một giới hạn, một thứ mà cả người dạy lẫn người học cần phải tuân thủ, tôn trọng đó chính là SỰ THẬT. Lúc này, người dạy và người học cùng hợp tác với nhau để khám phá, trải nghiệm và sáng tạo dựa trên sự thật khách quan chứ không phải tùy tiện bóp méo theo chủ quan của mình. Bởi sống với nhận thức phù hợp với sự thật là gốc rễ để có được sự phát triển trường tồn và hạnh phúc thực sự.
Do đó trong logo ProSelf, cái mình có thể tự do sáng tạo là kiểu chữ ProSelf. Còn cái mình phải giữ cho nguyên vẹn là SỰ THẬT với hình tượng chòm sao Thất Tinh Bắc Đẩu – chòm sao biểu tượng cho một sự thật khách quan không thuộc về ai, luôn cố định ở đó để chúng ta định hướng đi khám phá và sáng tạo cho bản thân mình.
4 điểm mạnh độc đáo của chương trình đào tạo Ý thức trách nhiệm mà ProSelf muốn truyền thông
1. Mục đích: giúp người học gia tăng “tính người”
“Tính người” ở đây được hiểu là khác với “thú tính” và “robot”.
Nếu như “thú tính” là nói đến bản năng, dục vọng, cái xấu, cái ác…, còn nói đến “ro bot” là máy móc, khuôn khổ, cứng nhắc, vô cảm, vô tình, vô hồn… thì “tính người” nói đến tâm thiện hay còn gọi lòng nhân. Theo ProSelf thì bản chất con người là Thiện ( Khác với Khổng Tử cho rằng “con người mới sinh ra là Thiện”, còn ProSelf thì cho rằng “con người là thiện, luôn luôn thiện”). Thiện ở đây là “Chân Thiện” – cái Thiện đến từ Chân – nhận thức được bản chất của sự vật – chứ không phải cái Thiện theo sự đánh giá của mỗi người.
Chương trình của ProSelf là giúp mọi người khám phá bộc lộ cái Chân Thiện sẵn có bên trong mình, từ đó cái Mỹ cũng nảy sinh theo. Mỹ từ Chân Thiện mang lại là cái đẹp tự nhiên, tự do, sáng tạo và rất có hồn. Sản phẩm thủ công bao giờ cũng được trầm trồ là vì vậy.
2. Chương trình: mang tính “cá nhân hóa”
Tuy học cùng 1 lớp nhưng chương trình được sẽ khai thác và phát huy tùy theo từng người. Mỗi người sẽ có những khám phá, hướng phát triển của riêng mình và giảng viên cũng biết căn cơ, tình trạng của từng người để mà có cách giảng dạy phù hợp riêng cho người đó.
3. Phương pháp giảng dạy: mang tính “định hướng”
Đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên tính “cá nhân hóa” của chương trình. Người thầy không bắt người học trò phải tin thầy, theo thầy, coi những điều thầy nói là chân lý. Người thầy có kiến thức nhưng sẽ không truyền dạy điều mình biết, không tháo gỡ vấn đề, không làm thay giùm học viên mà chỉ dùng kiến thức như là một bản đồ nhận thức để xác định người học viên đang ở đâu rồi định hướng, chỉ đường bằng những nhiệm vụ, những câu hỏi tùy theo từng người. Còn đi hay không là ở người học.
4. Đánh giá và đo lường kết quả: bằng công cụ “Thất Tinh Bảng”
Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực cho người thầy lẫn người học xác định được thực trạng của mình để biết mình cần phát triển cái gì, đến đâu. Thất Tinh Bảng gồm 7 yếu tố cấu thành được chia làm 3 nhóm: nhóm biểu hiện bên ngoài, nhóm nhận thức bên trong, nhóm quyết định hành động theo nhận thức (có nhiều người nhận thức bên trong và biểu hiện bên ngoài không tương ứng nhau). Trong hình có minh họa Thất Tinh Bảng cho bạn dễ hình dung.
Từ 4 điểm mạnh này, ProSelf nhóm thành 2 nhóm (1 &2) + (3&4) để ra ý tưởng là “Chữ ProSelf kiểu chữ viết tay + chòm sao Bắc Đẩu Thất Tinh” với mong muốn mỗi khi một ai đó nhìn thấy Logo ProSelf là nhớ ngay là “ProSelf đào tạo Ý thức trách nhiệm sẽ giúp phát triển tính người (theo chương trình phù hợp với từng học viên) một cách có định hướng với công cụ Thất Tinh Bảng”.
Còn nếu ai “tán” thêm là “chữ ký là trách nhiệm”, “chất lượng 7 sao”, “ngôi sao chỉ đường” hay “kiên định không dời như Sao Bắc Đẩu” cũng được.
Để lại một bình luận