Học tập Bác không có nghĩa là bắt chước Bác

Riêng về lĩnh vực nhân cách, đạo đức, tính cách, thái độ thì chúng ta cần tiếp cận bằng một quan điểm mới, đó là HỌC KHÔNG PHẢI ĐỂ ÁP DỤNG MÀ LÀ HỌC ĐỂ THAY ĐỔI.

Không chỉ đối với Bác, mà ngay cả với học tập những vĩ nhân, những người thành công khác cũng như vậy. ProSelf thấy rằng hầu hết các bạn trẻ hiện nay thường đi hội thảo, đọc sách, lướt FACEBOOK về những người thành công rồi thấy họ có thói quen gì, tính cách gì, hay làm gì thì cố gắng ghi nhớ rồi làm theo, áp dụng trong cuộc sống với mong muốn mình cũng sẽ được như vậy.

Học như vậy là không ổn. Có một số người cũng học theo cách như vậy và đạt được một số thành tựu đáng nể nhưng số đó rất ít, cực hiếm. Vì sao? Vì đó là may rủi, đó không phải là sự học tập đúng nghĩa, đó chỉ là sự bắt chước, sự sao chép mà thôi. Riêng về lĩnh vực nhân cách, đạo đức, tính cách, thái độ thì chúng ta cần tiếp cận bằng một quan điểm mới, đó là HỌC KHÔNG PHẢI ĐỂ ÁP DỤNG MÀ LÀ HỌC ĐỂ THAY ĐỔI.

Áp dụng nhìn tưởng như là thay đổi nhưng thực chất nó không phải là sự thay đổi. Sự thay đổi phải là đến từ bên trong, thay đổi ngay trên chính tính cách, thái độ, giá trị sống… chứ không phải là ở bên ngoài cách thức, hành vi, lời nói, cảm xúc…Việc áp dụng đem lại kết quả nhanh như không bền, không linh hoạt và quan trọng là không thống nhất với con người thật bên trong của mình. Nếu việc áp dụng diễn ra trong một thời gian dài thì nó có thể tạo thành thói quen nhưng thói quen vẫn không phải là sự thay đổi từ bên trong.

Cách đây không lâu, ProSelf có chia sẻ một đoạn đối thoại của một bạn với chuyên gia của ProSelf về nụ cười. Đại ý là bạn chia sẻ về việc bạn ấy được dạy là phải cười như thế nào khi giao tiếp với khách hàng, bạn cười vẫn rất tươi, đúng chuẩn nhe rang không hở lợi, cứ gặp khách hàng là bạn cười một cách “au- tô- ma – tic – cờ – ly” mà trong lòng cứ thấy sao sao đó, không có thoải mái. Đó là vì bạn đã áp dụng kiểu cười thay vì hướng đến sự thay đổi để mình có thể cười từ bên trong tâm hồm, cười từ ánh mắt đến khóe môi.

Với học tập thái độ, tính cách, giá trị sống cũng vậy, nếu không hướng đến làm sao để thay đổi từ bên trong mà chỉ chăm chăm đi áp dụng để trở thành thói quen thì sẽ dẫn đến 2 hệ quả:
1 là không phát huy được hết sức mạnh thực sự của thái độ, tính cách, giá trị sống đó. Máy móc, khó tùy cơ ứng biến theo tình huống và không tự mình phát triển lên được. Sao mình không thành công được như họ nhỉ? Thợ dù có lành nghề cấp mấy cũng không sánh được đẳng cấp của người thầy, người làm chủ tri thức.
2 là bị mâu thuẫn nội tâm lâu dài dẫn đến khó chịu, mệt mỏi, stress thậm chí trầm cảm. Nhiều người lâu lâu ngồi ôm gối tự vấn: Rốt cuộc mình là ai? Thật khó mà biết được, bởi giá trị, thái độ, tính cách thật của bạn đã bị chôn bị nén quá sâu rồi!

Vậy nếu không áp dụng thì làm sao để thay đổi?

Áp dụng là tác động vào “quả”, còn muốn thay đổi thì tác động vào “nhân”. Cần đặt các câu hỏi vì sao để xem cỗi rễ nào giúp họ có được những giá trị, thái độ, tính cách, tư duy đó? Rồi đối chiếu xem mình đã có được điều đó hay chưa? Điều gì cản trở khiến mình không có được điều đó? Làm thế nào để tháo gỡ rào cản đó? Nếu vẫn cảm thấy chưa tháo gỡ rào cản được dễ dàng thì tiếp tục hỏi quay lại vòng lặp phân tích tại sao mình chưa làm được?

Lấy một ví dụ ngay trên chính Bác Hồ. Những phân tích về Bác đã quá nhiều, ProSelf xin được phân tích một đặc điểm rất riêng có của Bác là người luôn nhấn mạnh yếu tố con người chứ không phải giai cấp. Bác luôn quan tâm đến lợi ích của con người dù họ xuất thân từ giai cấp nào nên tư tưởng của Bác khá cởi mở chứ không giáo điều. Trong yếu tố con người, bác chú trọng đến yếu tố “tài” và “đức”, với “đức” là cái quyết định còn tài chỉ là yếu tố quan trọng. Nhìn sâu vào “đức” bác đưa “trung thực, trách nhiệm” lên hàng đầu. Bác hiểu rất rõ về ý thức trách nhiệm và tầm quan trọng của nó. Và đáng quý nhất là Bác sống và làm việc như những gì Bác nói, một cách rất tự nhiên, không một sự cố gắng nào của ý chí.

Khi đặt vấn đề làm thế nào để có được sự trung thực, trách nhiệm như Bác đã dạy bảo?

Như phân tích ở trên, không phải là cứ nói lời giữ lấy lời, nói đi đôi với làm, không ăn gian giờ giấc, của chung, chống chủ nghĩa cá nhân là sẽ được. Nó là trung thực và trách nhiệm hình thức. Nó sẽ dễ dàng lung lay và xô ngã trong môi trường có nhiều cám dỗ về tiền tài địa vị.

Điều chúng ta cần làm là tìm hiểu điều gì làm nên một tinh thần trung thực, trách nhiệm từ bên trong?

Theo nghiên cứu của ProSelf thì đó chính là LÒNG TỰ TRỌNG. Một người có lòng tự trọng sẽ không làm điều gì khiến cho người khác có cơ hội xem thường mình, kể cả khi không có ai giám sát. ( Nhưng hiện nay đa số mọi người thường nhầm với “tự ái” là tha hồ làm bậy rồi nổi xung lên khi có người xem thường mình)

Một người có được lòng tự trọng – tự tôn trọng chính bản thân mình – khi mà họ thấy được giá trị của bản thân mình là cao quý và vô giá. Giống như một đứa trẻ có thể quăng lông lốc viên kim cương nhưng người lớn thì không, vì người lớn hiểu giá trị của nó.

Một người sẽ thấy được giá trị của bản thân mình khi biết được mình là ai. Mình độc nhất như thế nào. Sự hiện diện của mình trên thế gian này là ý nghĩa và cao quý như thế nào. Đó là cả một quá trình khám phá bản thân không ngừng nghỉ.

******* Lưu ý quan trọng: đó là một quá trình khám phá – quá trình “cảm” được, “thấy” được chứ không phải là một quá trình suy nghĩ, tưởng tượng và ngộ nhận. Nó là một quá trình thay đổi của con tim chứ không phải của lý trí. Mọi câu hỏi là phải là những trăn trở trong lòng, do tự mình đặt ra với chính mình, tự mình tìm câu trả lời cho chính mình, tự mình phản biện với chính mình. Trong đó, yếu tố tự phản biện rất quan trọng. Sự phản biện của người thầy chỉ là yếu tố hỗ trợ, tự mình trăn trờ, xoay xở đến khi nào vỡ òa ra được vấn đề mới dẫn đến sự thay đổi thực sự (hay còn gọi là “ngộ”) . Mỗi một lần vỡ òa là thêm một nguồn năng lượng trong bạn được giải phóng. Bạn sẽ thường xuyên cảm thấy là “ỦA? MÌNH ĐÃ THAY ĐỔI HỒI NÀO MÀ KHÔNG HAY!”

Bài viết đã quá dài, nhân ngày sinh nhật Bác, thầm chút cho có thêm ngày càng nhiều người học tập được Bác một cách đúng nghĩa <3<3<3

Gia đình ProSelf,

(www.proself.vn – Tiên phong đào tạo ý thức trách nhiệm trong công việc)

Bài viết mới đăng

Chuyên mục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Không để lỡ thông tin về ProSelf.

Đăng kí nhận các tin tức, khoá học, bài viết mới nhất qua email. ProSelf sẽ liên lạc với bạn thường xuyên hơn!